Quy trình và thủ tục xuất khẩu nông sản Việt Nam

13/03/2023

Trong bài viết này, hãy cùng GREEN FARM tìm hiểu về quy trình và thủ tục xuất khẩu nông sản đang áp dụng tại Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, việc xuất khẩu nông sản đang được đẩy mạnh do chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được nâng cao và nhiều khu vực thị trường đã chấp nhận nhập khẩu nông sản của nước ta.

Vậy khi có trong tay các sản phẩm nông sản có chất lượng và thị trường quốc tế đang chào đón thì doanh nghiệp Việt cần làm những công việc gì để có thể xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài và thu về lợi nhuận cho công ty mình. Đó chính là nội dung của bài viết này.

Các loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Trong năm 2022, Việt Nam có 5 nhóm sản phẩm nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD:

  1. Cà phê: 3,94 tỷ USD;
  2. Gạo: 3,49 tỷ USD;
  3. Cao su: 3,31 tỷ USD;
  4. Rau quả: 3,34 tỷ USD;
  5. Hạt điều: 3,07 tỷ USD…

Tất nhiên, ngoài 5 sản phẩm và nhóm sản phẩm hàng đầu kể trên, chúng ta còn rất nhiều các nông sản khác cũng đang được đẩy mạnh xuất khẩu, chẳng hạn như: sắn, hạt tiêu, chè, ca cao, bông…

Một số lưu ý khi xuất khẩu nông sản

Với những đơn vị mới làm xuất khẩu, cần hết sức lưu ý những nội dung cần chuẩn bị để cho công việc được thuận lợi, tránh những vướng mắc có thể phát sinh.

Việc kiểm tra trước này rất quan trọng, bởi vì mỗi nước nhập khẩu nông sản rất có thể có quy định riêng về nhập khẩu nông sản.

Ví dụ:

  • Hàn Quốc: sản phẩm nhập khẩu phải được đóng gói, gắn đầy đủ tem mác theo quy định của họ.
  • Nhật Bản: chỉ 1 số mặt hàng nông sản được phép nhập khẩu vào quốc gia khó tính này, vì vậy bạn phải kiểm tra danh mục nông sản đã được Nhật Bản chấp nhận.
  • Châu Âu: rất khắt khe về mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL – Maximum Residue Levels) có trên thực phẩm, do đó nhà xuất khẩu Việt Nam cần nghiên cứu và chuẩn bị thật kỹ để đáp ứng tiêu chuẩn của họ.
  • Trung Quốc: thủ tục có phần thuận lợi hơn, tuy vậy cũng chỉ 1 số loại nông sản được đi đường chính ngạch. Một số lượng lớn sản phẩm được xuất qua biên giới đường bộ theo đường tiểu ngạch.

Quy trình làm thủ tục hải quan xuất khẩu nông sản

Kiểm tra nông sản có phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu

Trước khi làm thủ tục xuất khẩu, công ty bạn cần phải tìm hiểu xem nước nhập khẩu có chấp nhận sản phẩm này từ Việt Nam hay không, và sản phẩm của bạn có đạt yêu cầu chất lượng hay không.

Việc kiểm tra này sơ bộ nên làm từ đầu, từ đó giúp bạn tìm thị trường phù hợp và nước nhập khẩu phù hợp với từng loại nông sản của mình.

Chuẩn bị các yêu cầu trước khi xuất khẩu

Dưới đây là một số yêu cầu có thể phải đáp ứng khi đưa nông sản vào thị trường của đối tác:

  • Kiểm dịch thực vật
  • Chiếu xạ sản phẩm
  • Vùng trồng đạt chuẩn
  • Đạt tiêu chuẩn, hàm lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
  • Tiêu chuẩn đóng gói, bao bì, nhãn mác

Ngoài ra, đối với hàng hàng nông sản cần bảo quản lạnh, thì còn cần phải chú ý đến các khoảng thời gian cần thiết để giữ nhiệt độ ở mức lạnh cần thiết:

  • Thời gian thu hoạch nông sản;
  • Thời gian đóng hàng vào container;
  • Thời gian chờ làm thủ tục hải quan, chiếu xạ, kiểm dịch, hun trùng…;
  • Thời gian vận chuyển.

Tất cả các khoảng thời gian trên cần được tính toán cho ăn khớp với nhau, để đảm bảo hàng hóa nông sản được giữ lạnh trong nhiệt độ phù hợp, tránh bị hư hỏng. Điều này liên quan nhiều đến chuỗi cung ứng lạnh nông sản mà Việt Nam đang dần hình thành và phát triển mạnh.

Các công việc chuẩn bị và kiểm tra này rất quan trọng, quyết định đến hàng hóa có đảm bảo chất lượng và đáp ứng được tiêu chuẩn của nước ngoài hay không.

Chuẩn bị chứng từ xuất khẩu

Người xuất khẩu cần chuẩn bị các loại giấy tờ như sau:

  • Hợp đồng ngoại thương xuất khẩu
  • Hóa đơn thương mại
  • Phiếu đóng gói
  • Chứng nhận chất lượng
  • Chứng nhận xuất xứ
  • Giấy xác nhận hun trùng…

Đối với những hàng nông sản đã nhập về và giờ muốn xuất đi thì cần thêm giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, do chi cục kiểm dịch thực vật cấp khi hàng nhập vào Việt Nam trước đó.

Chuẩn bị chuyển hàng

Theo kế hoạch đã lập ra, nhà xuất khẩu chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng. Việc thu xếp vận tải tùy theo điều kiện thương mại đã ký kết (chẳng hạn FOB, CFR… trong Incoterms). Đơn vị vận tải kéo vỏ container rỗng về kho để doanh nghiệp đóng hàng, sau đó chuyển về cảng chờ làm thủ tục thông quan và xuất tàu.

Việc lấy mẫu kiểm dịch và hun trùng được thực hiện trong bước này. Nếu làm lần đầu thì cán bộ kiểm dịch có thể cần về kho riêng lấy mẫu, và kiểm tra vùng nguyên liệu (nếu cần). Từ những lô hàng tiếp theo thì có thể chỉ kiểm dịch tại cảng.

Khai báo hải quan và thông quan cho lô hàng

Khi hàng hạ về CY cảng, chủ hàng hoặc đơn vị dịch vụ thông quan sẽ khai báo hải quan và làm các thủ tục cần thiết để thông quan cho hàng hóa.

Lưu ý: việc hạ cont về CY cảng, thông quan, thanh lý và vô sổ tàu phải được hoàn thành trước giờ Closing time quy định trong Booking Note của hãng tàu.

Cùng với việc làm thủ tục thông quan cho lô hàng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gửi chi tiết làm vận đơn (gọi là SI – Shipping Instruction) và khai báo khối lượng hàng đã được xác nhân (VGM) cho hãng tàu.

Sau khi tàu chạy và có vận đơn (B/L), người xuất khẩu làm hồ sơ xin cấp C/O, nộp hồ sơ tại phòng quản lý XNK để được cấp chứng nhận.

Hoàn thành bộ chứng từ XK

Sau khi các chứng từ đã sẵn sàng: B/L, Invoice, Packing List, Phyto, C/O… tùy theo điều kiện thanh toán quy định trong hợp đồng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ gửi cho người nhập khẩu nước ngoài (nếu thanh toán T/T), hoặc xuất trình bộ hồ sơ gốc cho ngân hàng (với phương thức thanh toán LC, DP, DA).

Khi bộ chứng từ đầy đủ chuẩn chỉnh, người bán nhận được thanh toán là hoàn tất toàn bộ thủ tục xuất khẩu lô hàng nông sản.

Một số nội dung cần nắm vững trước khi xuất khẩu nông sản

Nhiệt độ và cách bảo quản, đóng hàng

  • Mỗi loại hàng sẽ có quy định cụ thể về nhiệt độ bảo quản. Người xuất khẩu và đơn vị vận chuyển cần đảm bảo duy trì theo quy định để tránh hư hại đến hàng hóa.
  • Mỗi loại nông sản cũng sẽ có cách đóng hàng khác nhau, để đảm bảo sản phẩm không bị dập nát, hư hỏng. Cách thức đóng gói này cũng cần được lưu ý tuân thủ.

Các quy định cấp mã số vùng trồng

  • Yêu cầu đối với tổ chức hoặc cá nhân xin cấp mã số
  • Yêu cầu diện tích và điều kiện canh tác
  • Yêu cầu về sổ sách ghi chép
  • Quy chuẩn vệ sinh trên đồng ruộng
  • Quy chuẩn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

>> Tham khảo chi tiết trong Tiêu chuẩn cơ sở 774:2020 – quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng

Nhìn chung, thủ tục xuất khẩu nông sản không quá khó, nhưng có những quy định và tiêu chuẩn đặc thù cho nhóm mặt hàng này cần được lưu ý áp dụng, như chúng tôi đã nêu chi tiết ở trên.